Văn hóa Cây khế (truyện)

Bài chi tiết: Hỏa điểu
Hoàng tử Ivan tóm được phượng vĩ.

Trong bộ tứ điển tích Hỏa điểu (Жар-птица) của nghiên cứu gia Aleksandr Nikolayevich Afanasyev, san hành năm 1873 tại Moskva, có đoản thiên Truyện hoàng tử Ivan, con chim lửa và con sói xám[2] (Сказка об Иване-царевиче, Жар-птице и о Сером-волке) cho tới thời điểm 2020 vẫn là văn bản gần gũi nhất với nhóm huyền tích Cây khế. Tuy nhiên, theo giới phê bình Tô Liên, tác gia cũng chỉ bổ khuyết một thần tích Đông Slav, mà có lẽ liên đới văn hóa Tungus trung đại.

Truyền rằng, ở thượng uyển có cây táo trĩu quả, đêm nào cũng có con chim tỏa ánh lửa tới ăn trộm. Hoàng tử Ivan bèn làm chiếc lồng vàng chụp nó vào (để đỡ bỏng). Lúc bị nhốt, chim thường hót và từ mỏ tuôn ra trân châu mã não (ngầm chỉ hỏa điểu sống ở đảo Buyan), hễ ai đang bịnh mà nghe tiếng chim hót thì lành. Sau đó chàng Ivan được chim lửa đền chiếc thảm thần để phiêu lưu khắp thế gian tìm mĩ nhân Vasilisa. Trải qua bao phen thử thách, cuối cùng hoàng tử Ivan diệt được hung thần Koshchey, cứu công chúa đang bị giam. Chàng lại đem chiếc lông hỏa điểu xua mây mù và băng giá, đem mùa xuân về đất Bắc.

Cũng theo tham luận của A. N. Afanasyev, "phượng hoàng" là tượng trưng quang năng (lửa, dung nham, mặt trời...), cũng là biểu hiện sự tuần hoàn tái sinh. Vì thế, chủ đề câu truyện phượng hoàng trả ơn là sự vận động của tự nhiên. Mà nhân loại là một thành tố tự nhiên, phải vận dụng sức cần lao để theo kịp cái chu kỳ đó chứ không thể ỷ lại.

Trong thế giới quan Trung Hoa, hình tượng phượng hoàng đậu cây ăn trái là biểu hiện cho sự sung túc và tráng kiện, ứng chữ "phúc". Từ thời Hán đã quy phượng hoàng cho phẩm cách quý tộc, nhan sắc, lòng trung trinh bác ái, và hạnh phúc gia đình, bởi năm màu trên lông tương ứng ngũ hành - biểu tượng vũ trụ biến thiên. Từ các triều đại sau, phẩm cách loài chim này cũng được coi là bản chất học thuậtvăn nghệ Á Đông.